Viêm tụy mạn tính có thể phòng ngừa?

Viêm tụy mạn tính là bệnh thường gặp do viêm tụy cấp không chữa trị kịp thời hoặc chữa trị không dứt điểm hoặc chữa trị không đúng (thuốc không rõ nguồn gốc). Nếu không được chẩn đoán, điều trị có thể gây tử vong sau một thời gian dài mắc bệnh.

Tụy có chức năng gì?

Tụy là một cơ quan nằm sau phúc mạc, phía sau dạ dày và sát thành sau của ổ bụng. Tụy nặng khoảng 80gr, có màu trắng nhạt, trung bình tụy có thể tiết ra 0,8 lít dịch tiết/ngày. Tụy gồm có 3 phần: đầu tụy, thân tụy và đuôi tụy. Ống tụy còn gọi là ống Wirsung là một ống nằm dọc suốt chiều dài của tụy và dẫn lưu dịch tụy đổ vào đoạn D2 của tá tràng. Chỗ ống tụy nối vào tá tràng gọi là bóng Vater để đổ dịch tụy vào tá tràng xuống ruột giúp tiêu hóa thức ăn. Dịch tụy là nguồn chứa các men tiêu hóa mỡ và protein. Dịch tụy cũng chứa các ion bicarbonate có tính kiềm để trung hòa lượng dịch acid trong thức ăn từ dạ dày đi xuống. Việc kiểm soát chức năng ngoại tiết của tụy được thực hiện thông qua các men (enzym) như gastrin, cholecystokinin và secretin. Các men này được các tế bào của dạ dày và tá tràng tiết ra dưới kích thích của thức ăn hiện diện trong ống tiêu hóa và bởi chính dịch tụy.

Nguyên nhân viêm tụy mạn tính

Trước hết, phải kể đến nguyên nhân viêm tụy mạn là do viêm tụy cấp không điều trị dứt điểm với bất kỳ lý do gì (điều trị dở dang, không đúng, bệnh nhân tự ngưng dùng thuốc…). Nghiện rượu và sỏi tụy là hai nguyên nhân chính gây viêm tụy, chiếm khoảng 80-90% các trường hợp. Rượu làm tổn thương tế bào tụy gây xơ hóa dẫn đến viêm mạn tính (ở Mỹ, viêm tụy mạn có tới 70% là do nghiện rượu, Việt Nam chưa có công bố chính thức nào). Ngoài ra, 10-20% trường hợp viêm tụy còn lại là do những nguyên nhân do thuốc, tiếp xúc với một số hóa chất, tổn thương (chấn thương) do tai nạn xe hoặc chấn thương bụng, những bệnh lý di truyền, một số thủ thuật ngoại khoa, bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như sởi (ít gặp), dị dạng tụy hay ruột.

Ngoài ra, viêm tụy mạn có thể do rối loạn chuyển hóa, nhất là thiếu hụt α1 antitrypsin. Thông thường, để đảm bảo cấu trúc cũng như chức năng ngoại tiết bình thường của tụy thì các men được tiết ra dưới dạng tiền chất, nghĩa là chưa có khả năng tiêu hủy protein và mỡ. Vì một lý do nào đó như sự ứ trệ, nhiễm trùng, chấn thương..., các men này lại được hoạt hóa ngay trong lòng tụy gây nên sự tự tiêu hủy tụy dẫn đến viêm tụy. Viêm tụy mạn có thể do suy dinh dưỡng hoặc do di truyền, tự miễn hoặc có thể gặp ở bệnh nhân tăng mỡ máu (loại triglycerid máu). Tuy vậy, có khoảng 40% trường hợp viêm tụy mạn không biết rõ nguyên nhân.

Triệu chứng của bệnh

Đau bụng, đau lưng. Đối với viêm tụy mạn, đau bụng chỉ thỉnh thoảng, nói chung thường ít gặp, nếu có cơn đau thường âm ỉ, kéo dài và đau bụng thường biến mất khi bệnh trở nên nặng hơn. Vì vậy, khi thấy cơn đau bụng biến mất trong viêm tụy mạn là một dấu hiệu xấu vì nó có thể đồng nghĩa với việc tụy đã ngừng hoạt động. Một số triệu chứng khác trong viêm tụy mạn là do những biến chứng lâu dài của nó như sút cân và thiếu chất dinh dưỡng hoặc xuất huyết dẫn đến thiếu máu hoặc tổn thương gan gây vàng da hoặc tiêu chảy, phân có mỡ, sốt, buồn nôn, nôn, suy nhược, đi tiểu thường xuyên hoặc mờ mắt do thiếu insulin dẫn đến bệnh tiểu đường.

Hậu quả của viêm tụy mạn

Bệnh viêm tụy mạn là sự phá hủy, xơ hóa nhu mô tụy, tổn thương lan tỏa hoặc khu trú thành từng ổ. Có thể gây canxi hóa lan tỏa hoặc canxi hóa khu trú ở ống tụy làm hẹp lòng ống tụy và suy giảm chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy. Hậu quả lớn nhất của viêm tụy mạn là hạn chế hoặc không sản xuất insulin dẫn đến bệnh đái tháo đường không đảm bảo chức năng tiết men tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn, dẫn đến người bệnh suy dinh dưỡng hoặc gây nên các hậu quả của bệnh đái tháo đường (tổn thương mắt, tăng huyết áp, loét bàn chân…).

Điều đáng quan ngại nhất của viêm tụy mạn là gây tử vong. Theo một số tác giả, tỷ lệ tử vong có thể tới 50% trong vòng 20-25 năm, 15-20% tử vong do các biến chứng như dinh dưỡng kém, nhiễm trùng, chấn thương và có tới 4% phát triển thành ung thư tụy trong 20 năm.

Nguyên tắc điều trị

Khi bị viêm tụy cấp, cần được điều trị dứt điểm, không tự mua thuốc điều trị và không dùng thuốc không có nguồn gốc hoặc bởi người không có chuyên môn y học (lang băm). Nguyên tắc là dùng các loại thuốc thay thế chức năng tụy khi tụy bị suy giảm. Trong các trường hợp do tắc đường dẫn dịch tụy (sỏi, giun chui ống mật - tụy), cần phẫu thuật.

Phương pháp phòng bệnh

Cần kiêng rượu tuyệt đối với người bị viêm tụy mạn để giảm nguy cơ bị những cơn viêm tụy cấp tái phát, ngăn không cho tụy bị viêm nặng hơn và ngăn biến chứng, thậm chí gây nguy cơ tử vong. Hạn chế đến mức tối đa ăn mỡ động vật, chất béo, thức ăn nên chọn loại dễ tiêu, hàng ngày cần ăn nhiều rau, ăn thêm trái cây và uống đủ lượng nước cần thiết.

PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu